Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng tham gia Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2017

Thứ sáu - 02/11/2018 04:58
Sáng 22/11, Khoa Sinh – Môi trường đại diện Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng tham gia Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2017 với chủ đề “Đổi mới công nghệ - Nâng tầm cuộc sống” tại Cung thể thao Tiên Sơn TP. Đà Nẵng. Sự kiện lần này do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức.
Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng tham gia Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ năm 2017
anh6 4


Năm nay, Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ có sự tham gia của những doanh nghiệp lớn có hoạt động ứng dụng và đổi mới công nghệ tiêu biểu, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ các sự kiện, giới thiệu trên 500 sản phẩm, quy trình công nghệ, thiết bị nghiên cứu của 200 đơn vị trong nước và 55 tổ chức, doanh nghiệp quốc tế như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Úc, Đài Loan.

Khoa Sinh – Môi trường (Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN) tham gia sự kiện lần này với 3 nhóm sản phẩm là công nghệ nấm, công nghệ tảo, và công nghệ nuôi cấy in vitro. Nhóm công nghệ nấm do chính tay các bạn sinh viên chế tạo: nấm linh chi, nấm tươi, nấm khô, bột nấm, nấm giống,… Các sản phẩm nấm được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm, đi đầu trong công nghệ giống dạng lỏng, giảm tỉ lệ nhiễm bệnh, rút ngắn được thời gian trồng và tăng năng suất. Những sản phẩm nấm đều đáp ứng được tiêu chí 3 KHÔNG: không chất bảo quản, không chất kích thích, không chất tạo màu.

Nhóm công nghệ nuôi cấy in vitro được nuôi cấy theo công nghệ in vitro. Tất cả những loại cây trồng theo công nghệ này đều có tính chất dược lí: cây ba kích, cây hoa chuông,…

Nhóm công nghệ tảo với các sản phẩm như bột tảo, bánh quy được làm với hàm lượng chất dinh dưỡng cao và rất tốt cho người sử dụng.

Các sản phẩm đều do tự tay các bạn sinh viên nuôi cấy trong phòng thí nghiệm dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Đặc biệt, những sản phẩm này đã được chuyển giao công nghệ cho các địa phương, được đưa vào thực tế để tiến đến kinh doanh thu lợi nhuận.

“Học ngành Công nghệ Sinh học chúng em được học rất nhiều về việc nuôi cấy mô, nấm, tảo. Các kiến thức ở lớp thay vì chỉ trên lý thuyết thì chúng em được áp dụng vào phòng thí nghiệm. Với sự giúp đỡ của các thầy cô, chúng em tạo ra được các sản phẩm rất thiết thực và hữu ích, đáp ứng được một phần nhu cầu trong đời sống, đặc biệt ứng dụng được những điều mình đã được học vào thực tế. Tham gia những sự kiện như thế này giúp chúng em học được rất nhiều điều, đặc biệt là để mọi người nhìn nhận rằng sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn ứng dụng được lý thuyết vào thực hành để tạo ra những sản phẩm hữu ích”, Bạn Nguyễn Thị Nhật Tuyên – Lớp 15 Công nghệ Sinh học, hào hứng chia sẻ.

Sự kiện sẽ diễn ra trong 3 ngày (22 -24/11) và sẽ có 10 hoạt động chuyên ngành hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm, giải quyết bài toán về công nghệ.

Mai Quang – Thanh Thảo

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây